Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

Bình yên và chiến tranh...


Khi tất cả những công việc cuối năm học đã gần như hoàn thiện thì nhận được tin báo dì ốm nặng. Tạm gác lại mọi việc, mình về thăm dì. Vẫn con đường mòn nho nhỏ trên con đê ấy vậy mà hôm nay mình có cảm giác như dài gấp đôi. Nhấn tay ga cho xe chạy nhanh hơn để mau chóng gặp dì. Đã đến lối rẽ vào xóm ven đê, thấp thoáng sau những bụi chuối tây là ngôi nhà nhỏ của dì. Không như mọi khi, nay chỉ có mình chú ra đón ở cửa ngõ. Ánh nắng chiều cũng nghiêng nghiêng theo cái bóng gầy gầy của chú.
Dì có vẻ mệt mỏi hơn mình đã nghĩ. Những cơn sốt cao khiến dì hốc hác và gầy đi trông thấy. Dì bảo những ngày qua chú vất vả, chật vật vì phải chăm sóc dì và tự chăm sóc bản thân. Vết thương trên bả vai và ở hông liên tục hành hạ chú mỗi khi thời tiết thay đổi…
Nhìn chú, nhìn dì khiến nước mắt mình chỉ chực trào ra…
Chiến tranh đã đi qua gần bốn thập kỉ. Mình – người được sinh ngay sau khi cuộc chiến kết thúc, dù không chứng kiến được những gì khủng khiếp nhất nhưng lúc này cũng có thể cảm nhận được tất cả. Chừng đấy thời gian trôi đi song  vẫn chưa đủ để hàn gắn được vết thương thời hậu chiến.
Dì lại lên cơn sốt, đôi môi se lại, bàn tay dì nóng sực, bên ngoài trời nóng tới 37- 38 độ mà dì lại co ro vì rét. Đắp lên người cả tấm chăn dày như thế mà dì vẫn run. Chú bảo đấy là cơn sốt rét- di chứng của những người lính trận sống ở rừng ngày trước…
Có vẻ như cơn sốt đã dịu, dì đang ngủ…
Chú tất tả chuẩn bị bắc nồi thuốc, với dáng đi lệch nghiêng một bên, đôi mắt trũng sâu và cái nhìn xa xăm. Mình biết chú đang lo cho sức khỏe của dì. Giúp chú nhóm lửa sắc thuốc, mùi thuốc bắc thơm sực cả khu bếp nho nhỏ. Giọng chú đều đều kể mình nghe về cuộc đời, về duyên phận cho chú gặp dì…
Đó là những năm tháng khắc nghiệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Hàng ngàn sinh viên quyết tâm gác lại việc học của mình, xung phong ra trận tuyến. Riêng trường Đại học Bách khoa của chú đã có hơn 50 sv tình nguyện  ra đi đợt đó. Sau hơn ba tháng huấn luyện ở một vùng quê thuộc tỉnh Hà Tây cũ. Đơn vị chú được điều thẳng vào chiến trường Tây Nam. Biết đi là chết song không một ai có suy nghĩ bỏ cuộc. Tất cả đều hướng về cuộc chiến, đều mong muốn được chiến đấu vì độc lập, vì sự tự do của dân tộc...
“Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm
Rách tả tơi rồi đôi giầy vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa

Mái đầu xanh thề mãi đến khi già
Phơi nắng gió giữa hoa ngàn và cỏ dại
Nghe tiếng gọi của những người Hà Nội
Trở về, trở về, chiếm lại quê hương…”
Trong đoàn quân năm đó có cả người yêu của dì. Cả chú và  C- người yêu của dì cùng trong một tiểu đội. Chú bảo ngày ấy chú chưa có người yêu nhưng mỗi khi  C nhận được thư của dì đều cho chú xem cùng. Tình cảm của những người lính trận là như vậy và chỉ có ai đã từng trải qua mới hiểu được. Họ chia sẻ cho nhau cả những gì riêng tư nhất vì ai cũng hiểu sự sống và cái chết luôn cận kề…
Sau đó một năm dì  xin vào đơn vị thanh niên xung phong. Qua thư, chú biết mong mỏi của dì là được gặp lại người yêu trong chiến trường nóng bỏng ấy. Nhưng rồi cái mong mỏi đó gần đạt được thì C hy sinh. Trước khi chết, C đã gửi lại những kỉ vật và lời nhắn nhủ tới gia đình cùng chiếc lược gửi tặng dì. Chiếc lược đó luôn ở trong túi áo ngực của chú. Nó như một tấm  bài hộ mệnh giúp chú thoát khỏi tử thần qua bao trận đánh. Kể cả trong những trận đánh giáp lá cà tưởng như chú đã chết đi rồi vậy mà vẫn tỉnh lại để sống, để mang được chiếc lược đó trả về cho chủ nhân của nó.
Chiến tranh kết thúc, chú ở lại trong trại điều dưỡng. Một năm sau chú tìm về quê dì theo địa chỉ ghi trên thư. Dì khóc ngất khi nhận lại những kỉ vật của người yêu. Chú cũng biết thời gian sau đó dì mắc bệnh trầm cảm. Còn chú phải trở về trại điều dưỡng vì những vết thương trên người. Chú không thể đến để động viên và chia sẻ những mất mát mà dì đang gánh chịu…
Ngủ yên nhé, kỉ niệm... - 1

Chiến tranh đã cướp đi rất nhiều thứ của chú. Đó là hoãi bão của tuổi trẻ, là sức khỏe và …cả thiên bẩm của người đàn ông. Trong những ngày sống ở trại điều dưỡng, chú đã nghĩ rất nhiều về dì nhưng rồi chú lại không thể vượt qua được mặc cảm của bản thân. Điều trị ở đó thời gian, chú về quê sống cùng ông bà. Vì sức khỏe nên chú không thể tiếp tục con đường học dang dở. Chú tham gia công việc xã hội  ở địa phương một thời gian rồi nghỉ hẳn. Chú vẫn đến thăm dì những khi có thể song chú không dám nói thật lòng mình. Chú đã cảm nhận được sự ấm áp của dì dành cho chú. Mãi đến gần đây khi mà ranh giới của sự sống, cái chết đã gần kề, cái nhục dục của con người cũng đi cùng tuổi tác và thời gian thì chú mới dám thổ lộ lòng mình với dì. Chú bảo nếu thời gian quay trở lại chú sẽ đến bên dì sớm hơn, sẽ không để dì phải khổ vì tiếng để đời một thời gian dài như thế vì cả hai đều hiểu, thông cảm hoàn cảnh của nhau và hướng tới nhau về một tình thương thực sự. Cho dù thời gian còn lại của cuộc đời không còn nhiều nhưng chú muốn làm cho từng tháng, từng ngày sống bên dì trở nên có ý nghĩa hơn và chú nâng niu từng phút giây ấy.
Nếu như nói đến chiến tranh là nói đến sự khốc liệt, sự mất mát trên những đau khổ, những hy sinh thì khi nói đến tình yêu ta lại nghĩ đến một điều gì đó thật êm dịu, ngọt ngào và hạnh phúc. Những tưởng chiến tranh và tình yêu phải là những điều trái ngược, không bao giờ song hành hay tồn tại bên nhau vậy mà trong những hoang tàn, đổ nát và mất mát đó tình yêu lại xuất hiện như một liều thuốc để làm dịu những cơn đau, hóa giải những bạo lực hay giảm đi những mất mát mà con người ở cả hai trận tuyến phải gánh chịu. Chiến tranh chẳng phải là huyền thoại, có thể chỉ là dấu chấm lặng, nằm lại với thời gian cũng với những vết thương trên người chú hay trong căn bệnh của dì để nhắc nhở cho thế hệ hậu sinh như mình “Chiến tranh là vậy”…
Cảm ơn cuộc đời đã không để cho dì chịu thiệt thòi, cảm ơn số phận đã cho dì gặp chú để hai tâm hồn ấy hợp lại và tác thành một bản tình ca muôn thủa.
Càng về chiều thời tiết lại càng trở nên khắc nghiệt. Những cơn gió từ phía bãi thổi đến, phả vào mặt rát  bỏng. Bầu trời xanh thẳm, cao vời vợi song đâu đó xuất hiện những đám mây xám đóng thành từng mảng bất thường, báo hiệu như sắp có cơn giông. Mong cho cơn giông nhanh chóng qua đi cũng như bệnh tình của cả chú  và dì mau khỏi.
Mình muốn ở lại bên dì thêm một chút nữa… 

Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013

Entry for my rain.


 

Những tiếng sấm ầm ì từ phía chân trời vọng lại khiến mình choàng tỉnh giấc, với tay bật tung cửa sổ. Vạt nắng chiều bướng bỉnh, dùng dằng chẳng muốn tắt song nó cũng nhanh chóng bị át đi bởi những đụn mây đen  đang  được gió Đông Nam kéo đến...
Mưa!
Từng hạt mưa lúc đầu còn tí tách, rải rác, khe khẽ, giọt thưa, giọt mau nhưng chẳng mấy chốc tiếng lộp độp rớt trên mái hiên dày hơn, nghe rõ hơn, cảm tưởng như âm thanh của bản giao hưởng nào đó đang dâng lên ở độ cao trào.
Nhìn những làn nước mưa đan xéo nhau qua ô cửa kính khiến mình thấy nhớ và thèm làm sao được đếm ngược thời gian, trở về với những xúc cảm trong cơn mưa của ngày xưa…
Hòa lẫn tiếng mưa rơi thật đều, thật nhẹ mình vẫn có thể cảm nhận được tiếng cười trong trẻo, đùa vui của mấy chị em trong khoảnh sân gạch nho nhỏ dưới cơn mưa đầu hạ. Có con bé con xách giỏ đòi chạy theo anh đi bắt cá rô ngược dòng. Dầm mưa quá lâu để rồi đêm ấy con bé lên cơn sốt cao vì cảm lạnh và cũng từ đó bị mẹ cấm không cho tắm mưa nữa…
Sau những trận mưa rào, bờ ao xăm xắp nước, con bé con gầy nhỏng trong tấm áo mưa thùng thình, đeo giỏ theo bố đi kéo cá. Nhớ âm thanh rộn ràng của cả nhà trong bữa cơm chiều hôm ấy với nhiều món mẹ nấu từ giỏ cá có được của hai bố con. Cảm giác vẫn còn rớt lại là vị cay, tê tê của món canh cá ngày nào trên môi…
Trời vẫn mưa chưa dứt, dưới lòng đường ướt sượt vẫn còn một số người đi lại. Có hai mẹ con em bé đang gò lưng đạp xe. Người mẹ trẻ vừa đạp xe, vừa kéo chiếc áo mưa che cho con ngồi sau. Vừa đi, con bé vừa hát, thò cả tay ra ngoài để hứng nước mưa. Lòng dưng dưng khi nhớ đến dáng mẹ mình cũng gầy gò như thế đang còng lưng, tất tả đạp xe đưa mình đi học trong cơn mưa năm nào. Con bé con là mình lúc đó cũng chẳng chịu ngồi im sau lưng mẹ, thi thoảng lại vén áo mưa để nhìn ra bên ngoài. Mẹ chỉ sợ nó bị ướt cùng với chiếc cặp sách bé xíu trong khi đấy mẹ ướt hết cả nửa thân người vì đạp xe ngược gió và bị mưa hắt. Mẹ xuýt xoa khi thấy tấm áo của nó loang ướt một vệt lớn phía sau lưng…

Mưa mùa hè luôn là những cơn mưa to và ập đến rất nhanh. Dạo đó bắt đầu vào vụ gặt, con bé được mẹ giao nhiệm vụ ở nhà trông sân thóc. Đang nắng gắt như vậy mà mưa bỗng ào đến. Cả sân thóc chưa kịp gom đã bị mưa làm ướt. Vội vàng, con bé đi chèn cống để không trôi hết thóc. Nó ngồi bệt bên sân thóc, tức tưởi khóc vì tủi thân, vì sợ mẹ mắng…
Nhớ cả nỗi sợ hãi trong buổi chiều đi cắt lúa cùng chị trên cánh đồng năm nào, cơn mưa ào đến cùng với những tiếng sét chói tai. Con bé run cầm cập, mặt tái đi vì sợ…
Nhớ cái cửa sổ nho nhỏ trong phòng ngủ của ba chị em. Mỗi khi có mưa là chị lại nhắc đóng cửa vì con bé có sở thích thò cả hai bàn tay ra ngoài hứng giọt mưa dưới mái hiên và gấp những chiếc thuyền giấy nho nhỏ rồi thả trôi theo dòng chảy lênh láng của nước mà nó tưởng tượng đấy là dòng sông …
Để rồi cũng dưới mái hiên trú mưa của buổi chiều bị lỡ xe về quê năm nào, con bé hồi đó là sinh viên năm thứ hai, ướt như chuột, run lên vì rét nhưng chợt nóng bừng đôi má, bối rối khi bắt gặp cái nhìn rất lạ của người khác giới. Anh bộ đội đó đã cho nó đi nhờ xe về nhà và chia sẻ cả tấm áo ấm để cho nó bớt lạnh. Thế là tình bạn được bắt đầu từ cơn mưa rất vội ấy…
Mưa gắn liền với quá nhiều kỉ niệm của thời thơ ấu và mưa cũng mang về cả những cảm xúc của tuổi bắt đầu biết yêu, luôn để lại trong mỗi người một tâm trạng bùi ngùi, khó tả. Cảm xúc ấy lại dâng đầy mỗi khi nghe tiếng mưa rơi tí tách ngoài hiên…

Hà nội mùa này lắm những cơn mưa
Em muốn khóc nghĩ giờ anh đang ướt
Dốc rất cao bánh xe trơn tuột
Anh về đâu giông bão của em?

Hà nội mùa này mưa bão thành quen
Những hiên vắng có bao người ngồi trú?
Em co ro cả trong giấc ngủ
Mong anh về
                     dù chỉ giữa cơn mơ

Hà nội mùa này yếu đuối như thơ
Căn gác nhỏ mưa buồn hiu hắt
Anh từng nói mưa trong đâu bằng mắt
Những chiều buồn
                   mắt bỗng hóa thành mưa
                                            Son Tay, May 2013