Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Như áng mây bay về nơi cuối trời


Mình bắt đầu cảm thấy mệt mỏi bởi những lớp dạy, ca dạy triền miên từ lúc nào vậy ? Chỉ biết lúc này muốn được thảnh thơi trong cả công việc và suy nghĩ. Muốn tìm về bên dì, chỉ một mình mình thôi, muốn ở bên cạnh người muốn được tâm sự để giải tỏa mọi ưu phiền và muốn tìm thấy sự bình yên nơi đó…
Cũng lâu rồi không thăm dì. Vượt lên đường cao tốc, qua con đê nhỏ, quãng đường đất ngăn ngắn là đến nhà .
Dì và chú đón tiếp mình thật chu đáo, Nhìn nụ cười, ánh mắt và cử chỉ của dì mình biết dì đang rất hạnh phúc. Vậy là cuối cùng hạnh phúc cũng đến bên dì dù rằng điều đó có muộn màng chăng nữa. Dì đưa mình ra bãi. Cả một bãi dâu, bãi ngô xanh rờn trước mắt với cơ man nào là gió, hoa và cỏ dại. Mình bỏ giầy, chạy chân trần trên đất bãi. Đất ẩm mát dịu dưới mỗi bước chân cộng với cảnh đẹp yên bình nơi đây và niềm vui mới của dì khiến lòng mình thư thái…
Để mặc gió hoang thả sức đùa giỡn làm rối tung mái tóc, để mặc cỏ may bám sâu đầy gấu váy,để mặc đôi chân trần lấm lem đất phù sa, để mặc dì bẻ ngô một mình, mình tiến về cuối bãi nơi thấp thoáng có những vạt cỏ may màu tím và trải dài ngút ngàn của rừng hoa cúc dại- hoa xuyến chi, thấp thoáng đâu đấy trong tâm trí  hình ảnh của con bé con gầy nhẳng đội trên đầu là vòng hoa cúc dại với lũ trẻ con hàng xóm đang chơi trò cô dâu chú rể...
Em thách cưới một vòng hoa xuyến chi
Để tôi suốt trưa mải mê khắp triền đồi lộng gió
Bới tung từng bụi cỏ
Khấp khởi vui mừng khi tìm được một nụ hoa
...
 Hoang hoải một nỗi nhớ không tên, một kỉ niệm không dễ quên với những vạt hoa dại, một nỗi buồn vô hạn, mênh mông khó tả. Thảng như là xa lắm rồi lại như chỉ mới đây thôi…

Ừ nhỉ sao mình lại vậy? Đã nhủ lòng phải quên đi tất cả kể cả những ưu phiền hiện tại, những mỏi mệt, những trách nhiệm nặng nề trên đôi vai gầy gò bé nhỏ vậy mà sao khó thế ? Muốn buông tay để tất cả bay theo gió, cuốn đến tận cuối chân trời xa tít…Giá mà gió có thể làm được điều đó...
Bạn hỏi tại sao hầu như trong những entry mình viết thì đâu đó đều thấp thoáng hình ảnh của con bé con ngô nghê với những sở thích bình dị? Là vậy đấy  tất cả cũng chỉ muốn trở về với những ngày xa lắm, ngày của tuổi thơ hồn nhiên, vô lo, vô nghĩ, ngày của những bình yên …
Dì cắt cho cả một bó to hoa cúc dại. Dì bảo đấy là hoa xuyến chi. Dì kể mình nghe về kỉ niệm của dì ngày xưa. Đêm chia tay trước ngày chú lên đường vào chiến trường miền Nam, trên triền đê với bạt ngàn hoa cúc dại- nơi đó là điểm hẹn của hai người, chú đã hái tặng dì những bông cúc ấy, kết thành một vòng tròn đội lên đầu dì. Dưới ánh trăng, những bông hoa nho nhỏ trắng tinh ấy nhìn thật đẹp và cũng buồn đến se lòng. Đêm ấy dì khóc nhiều lắm, nước mắt dì loang ướt cả vạt áo trước ngực chú. Hẹn ngày trở về chú sẽ đến xin ông để hỏi cưới dì bằng bất kì giá nào và chú sẽ trồng thật nhiều hoa trong vườn để dì thỏa sức ngắm. Song chiến tranh thì không nói trước được. Điều dì lo sợ nhất thì cuối cùng nó cũng đã đến. Chiến tranh đã cướp đi người yêu của dì để lại cho dì sự trống vắng và những nuối tiếc. Nếu những ngày đấy dì không ngăn chú và cả đêm chia tay trước ngày chú đi cũng vậy, cứ để tình yêu dẫn lối thì có lẽ chú đã không biến mất hoàn toàn trên cõi đời này, không làm dì hối tiếc, bơ vơ, sống cả một quãng thời gian dài đầy đau khổ và cô quạnh mà có thể chú đã để lại cho dì một phần máu thịt của mình- kết quả của một mối tình đẹp…
Dì bảo kỉ niệm đẹp đến mấy cũng chỉ là kỉ niệm. Thôi thì hãy quên đi để sống cho thực tại song nhiều khi dì tự hỏi liệu có phải hiển hiện người chồng bên cạnh lúc này chính là chú của mấy chục năm về trước? Chú đã trở về, hay run rủi tìm được người giống mình để bù đắp cho dì, cho cả những tháng ngày mong mỏi, chờ đợi, đau khổ…?
Gió đã đẩy vạt nắng chiều xuống tận cuối bãi. Mình lặng nghe những lời kể của dì, thương dì nhưng rồi lại mừng cho dì vì hiện tại bên dì là bến bờ hạnh phúc, dù không thể có con được nữa nhưng dì bảo tình yêu và sự chân thành của chú- người thương binh nặng trở về sau cuộc chiến, đã níu giữ dì ở lại trên cõi này để sống thêm những ngày còn lại của tuổi già và để được bù đắp, được yêu thương…


Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2013

Cơn gió nào ngang qua rừng chiều...?


Càng về khuya gió càng thổi mạnh. Gió vần vũ ngược xuôi trên mái nhà, gió quấn quýt uốn rạp cả ngọn cây cao trước cửa, kéo lá rụng rào rào bên hiên, gió đập cửa khiến nó rung lên bần bật, gió len qua khe cửa tạo nên những tiếng ú u u ... Hồi xưa, Bà thường bảo đó là tiếng hú của gió mỗi khi gặp chuyện vui…
Mãi mình vẫn không tài nào chợp mắt được, nghĩ đến cuộc điện thoại hồi chiều và mình nhớ anh…
 Anh yeu mau tim

Những ngày này anh đang cùng đơn vị rèn luyện trên thao trường đầy nắng và gió trong cánh rừng xa lắc xa lơ nào đó nơi vùng biên ải…  
Đêm nay ở cánh rừng ấy chắc gió cũng đang thổi mạnh và anh vẫn thao thức vì rất nhớ mình và hai con. Muốn được gài nỗi nhớ thương gửi vào trong gió, nhờ mang đến bên anh, nhẹ nhàng bên cánh võng đung đưa, xoa dịu cái vất vả của cả một ngày trên thao trường; muốn được kéo tấm chăn đắp cho anh, mang hơi ấm và làm tan đi cái lạnh của gió sương nơi ấy rồi khe khẽ cất tiếng hát ru… Giấc ngủ sẽ đến nhẹ nhàng hơn, mang sức khỏe cho anh để ngày mai lại tiếp tục rèn luyện trên thao trường đầy nắng và gió …

http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/nho-em-do-quang.n8-WqaIrw7.html

                                                                      
                                                                             Hà Nội 14/3

Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2013

Quà của tháng ba


Tháng ba về, nắng ngập tràn khắp phố, mình bâng khuâng giữa khoảnh khắc thay đổi bất ngờ của vạn vật. Nắng xuân đẹp quá đi thôi!
Đứng trên ban công nhìn về ngõ nhỏ thấy tím cả một khoảng trời bởi hoa xoan. Mình yêu cái mầu phơn phớt tím ấy- màu của nhung nhớ, màu của khắc khoải chờ mong… Chạm vào vết sẹo nhỏ trên trán thấy cay cay nơi sống mũi. Ngược chiều tháng ba, trở về với tuổi thơ bên những cánh hoa nhỏ nhỏ, tim tím rụng đầy ngõ, theo gió bay cả vào hiên nhà, đậu trên tóc con bé với hai bím tóc đuôi sam dài thật dài… Con bé khóc đòi anh trèo lên cây để hái bằng được những chùm hoa tim tím ấy. Anh chiều bé út vì anh biết nó thích tất cả những bông hoa có màu tím, kể cả những bông hoa dại tim tím không tên mọc bên đường. Mải hái hoa anh dẫm vào một cành khô và rơi trúng vào trán con bé…
Trong làn gió thoảng, mình cũng cảm nhận được cả một mùi hương rất nhẹ, hương của tháng ba -hương bưởi...
Vườn bưởi nho nhỏ của bố giờ này cũng đã nở rộ hoa. Tưởng tượng thấy trước mắt là những chùm hoa bưởi trắng tinh, đung đưa theo gió và đang tỏa hương thơm man mát. Hoang hoải nỗi nhớ về một thời xa lắm cùng với hương bưởi trong những tấm mía  ngon ngọt, trong cốc nước bột sắn bố pha hay trong cả nồi nước gội đầu của mẹ. Mẹ bảo gội nước hoa bưởi sẽ khiến cho mái tóc mượt hơn, tinh thần sảng khoái  hơn và hương thơm ấy sẽ gắn kết tình cảm của người này với người kia, và nó sẽ đọng mãi, đọng mãi trong nỗi nhớ dù chỉ một lần được thưởng thức... Đến mùa hoa mẹ hay nấu nước gội đầu cho mình, mình thích được mẹ gội đầu, thích được chải tóc,được hít hà hương thơm của mái tóc. Mùi hương man mát, khó quên ấy cứ đọng mãi trong mái tóc dài và mượt của con gái...
Đã mấy tháng ba rồi mái tóc mình không đượm mùi hoa bưởi? Chỉ một đoạn đường ngắn vậy mà mình luôn bỏ lỡ. Chắc mẹ cũng buồn về điều này lắm lắm...
Mẹ ạ! Ngày mai con sẽ về và lại được gội đầu bằng nước hoa bưởi của mẹ. Con không muốn để lỡ thêm một mùa hoa nữa…

Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

vời vợi tuổi thơ...


Nỗi nhớ quê luôn là tâm trạng khắc khoải, bồn chồn, day dứt của những người con đi xa lâu ngày và đó cũng là tâm trạng của chồng tôi trước mỗi hôm chuẩn bị về quê. Tôi hiểu  hai từ Quê Hương đối với anh có ý nghĩa như thế nào.

Quê anh- ngôi làng nhỏ nằm giữa cánh đồng bên ven đường Quốc lộ 1. Đó là vùng đồng chiêm trũng, mùa nào ruộng cũng xăm xắp nước. Anh bảo quê anh nghèo lắm, người dân ở đó chỉ biết trồng lúa, quanh năm bám bờ, bám ruộng mà vẫn không đủ ăn. Men theo sông là con đường đất đỏ dẫn vào làng, ngôi làng bé tí nổi cao lên giữa cánh đồng bát ngát thẳng cánh cò bay…
Anh bảo quê anh không là chùm khế ngọt như trong thơ của Đỗ Trung Quân mà quê anh là những gốc gạo rất to, sù xì, mọc vô số đây đó khắp làng. Hoa gạo (hoa mộc miên) làng anh thật đẹp. Nó mộc mạc, chân chất, hiền lành như người dân quê anh. Nó khiến cho làng anh nổi bật và đẹp hơn vào mỗi dịp tháng ba về. Nhìn từ xa, thấp thoáng ngôi làng ẩn dưới  những tán cây cao vút, đỏ rực bởi cơ man nào là hoa gạo. Anh gọi tôi là hoa gạo tháng ba…

Quê anh là dòng Châu Giang thơ mộng . Dòng sông ấy đã ngụp lặn trong cả tuổi thơ, chất chứa những kỉ niệm buồn, vui, vất vả của một thời anh đã có…
Quê  anh là ngôi nhà đơn sơ, nằm nép mình giữa xóm, có cây cầu ao nho nhỏ bên góc vườn, có giậu ô rô xanh mướt được trồng làm hàng rào ngăn cách giữa nhà anh và nhà cô bạn láng giềng… Quê anh còn là cánh diều no gió trên bầu trời xanh thẳm của những ngày hè bên trảng đất trống sau làng; là những giọt mồ hôi mặn chát trong những buổi trưa hè đi tát vũng, bắt cá, bắt tôm; là những cánh cò trắng bay rợp cả  cánh đồng đầy nước phía xa xa và... là vạt nắng chiều còn rớt lại trên đôi vai tảo tần của mẹ…
Quê anh là vậy và tôi yêu anh, tôi cũng yêu cả chốn quê yên bình đấy- nơi anh đã trải qua biết bao kỉ niệm suốt cả một thời thơ ấu...
Có lẽ tất cả những hoài niệm đó cứ sống mãi, sống mãi trong tâm thức mà mỗi khi có dịp trở về nó lại gợi lên trong anh biết bao suy nghĩ bởi rằng.
“Quê hương là những tháng ngày rong ruổi
Là nắng chiều nghiêng đổ dòng sông quê
Với câu hát “người ơi… ở đừng về…”
Man mác buồn cánh lục bình tim tím