Khi tất cả những công việc cuối năm học
đã gần như hoàn thiện thì nhận được tin báo dì ốm nặng. Tạm gác lại mọi việc,
mình về thăm dì. Vẫn con đường mòn nho nhỏ trên con đê ấy vậy mà hôm nay mình
có cảm giác như dài gấp đôi. Nhấn tay ga cho xe chạy nhanh hơn để mau chóng gặp
dì. Đã đến lối rẽ vào xóm ven đê, thấp thoáng sau những bụi chuối tây là ngôi
nhà nhỏ của dì. Không như mọi khi, nay chỉ có mình chú ra đón ở cửa ngõ. Ánh
nắng chiều cũng nghiêng nghiêng theo cái bóng gầy gầy của chú.
Dì có vẻ mệt mỏi hơn mình đã nghĩ. Những
cơn sốt cao khiến dì hốc hác và gầy đi trông thấy. Dì bảo những ngày qua chú
vất vả, chật vật vì phải chăm sóc dì và tự chăm sóc bản thân. Vết thương trên
bả vai và ở hông liên tục hành hạ chú mỗi khi thời tiết thay đổi…
Nhìn chú, nhìn dì khiến nước mắt mình chỉ
chực trào ra…
Chiến tranh đã đi qua gần bốn thập kỉ. Mình
– người được sinh ngay sau khi cuộc chiến kết thúc, dù không chứng
kiến được những gì khủng khiếp nhất nhưng lúc này cũng có thể cảm nhận được tất
cả. Chừng đấy thời gian trôi đi song vẫn chưa đủ để hàn gắn được vết
thương thời hậu chiến.
Dì lại lên cơn sốt, đôi môi se lại, bàn
tay dì nóng sực, bên ngoài trời nóng tới 37- 38 độ mà dì lại co ro vì rét. Đắp
lên người cả tấm chăn dày như thế mà dì vẫn run. Chú bảo đấy là cơn sốt rét- di
chứng của những người lính trận sống ở rừng ngày trước…
Có
vẻ như cơn sốt đã dịu, dì đang ngủ…
Chú tất tả chuẩn bị bắc nồi thuốc, với dáng đi lệch nghiêng một bên, đôi mắt trũng sâu và cái nhìn xa xăm. Mình biết
chú đang lo cho sức khỏe của dì. Giúp chú nhóm lửa sắc thuốc, mùi thuốc bắc
thơm sực cả khu bếp nho nhỏ. Giọng chú đều đều kể mình nghe về cuộc đời, về
duyên phận cho chú gặp dì…
Đó là những năm tháng khắc nghiệt nhất
của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Hàng ngàn sinh viên quyết tâm gác lại việc học
của mình, xung phong ra trận tuyến. Riêng trường Đại học Bách khoa của chú đã
có hơn 50 sv tình nguyện ra đi đợt đó.
Sau hơn ba tháng huấn luyện ở một vùng quê thuộc tỉnh Hà Tây cũ. Đơn vị chú
được điều thẳng vào chiến trường Tây Nam. Biết đi là chết song không một ai có
suy nghĩ bỏ cuộc. Tất cả đều hướng về cuộc chiến, đều mong muốn được chiến đấu
vì độc lập, vì sự tự do của dân tộc...
“Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm
Rách tả tơi rồi đôi giầy vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa
Mái đầu xanh thề mãi đến khi già
Phơi nắng gió giữa hoa ngàn và cỏ dại
Nghe tiếng gọi của những người Hà Nội
Trở về, trở về, chiếm lại quê hương…”
Trong đoàn quân năm đó có cả người yêu
của dì. Cả chú và C- người yêu của dì
cùng trong một tiểu đội. Chú bảo ngày ấy chú chưa có người yêu nhưng mỗi
khi C nhận được thư của dì đều cho chú
xem cùng. Tình cảm của những người lính trận là như vậy và chỉ có ai đã từng
trải qua mới hiểu được. Họ chia sẻ cho nhau cả những gì riêng tư nhất vì ai
cũng hiểu sự sống và cái chết luôn cận kề…
Sau
đó một năm dì xin vào đơn vị thanh niên xung phong. Qua thư, chú biết mong
mỏi của dì là được gặp lại người yêu trong chiến trường nóng bỏng ấy. Nhưng rồi
cái mong mỏi đó gần đạt được thì C hy sinh. Trước khi chết, C đã gửi lại những
kỉ vật và lời nhắn nhủ tới gia đình cùng chiếc lược gửi tặng dì. Chiếc lược đó
luôn ở trong túi áo ngực của chú. Nó như một tấm bài hộ mệnh giúp chú thoát khỏi tử thần qua
bao trận đánh. Kể cả trong những trận đánh giáp lá cà tưởng như chú đã chết đi
rồi vậy mà vẫn tỉnh lại để sống, để mang được chiếc lược đó trả về cho chủ nhân của nó.
Chiến tranh kết thúc, chú ở lại trong
trại điều dưỡng. Một năm sau chú tìm về quê dì theo địa chỉ ghi trên thư. Dì khóc ngất khi nhận lại những kỉ vật của người yêu. Chú cũng biết thời gian sau
đó dì mắc bệnh trầm cảm. Còn chú phải trở về trại điều dưỡng vì những vết
thương trên người. Chú không thể đến để động viên và chia sẻ những mất mát mà
dì đang gánh chịu…
Chiến tranh đã cướp đi rất nhiều thứ của
chú. Đó là hoãi bão của tuổi trẻ, là sức khỏe và …cả thiên bẩm của người đàn
ông. Trong những ngày sống ở trại điều dưỡng, chú đã nghĩ rất nhiều về dì nhưng
rồi chú lại không thể vượt qua được mặc cảm của bản thân. Điều trị ở đó thời
gian, chú về quê sống cùng ông bà. Vì sức khỏe nên chú không thể tiếp tục con
đường học dang dở. Chú tham gia công việc xã hội ở địa phương một thời gian rồi nghỉ hẳn. Chú
vẫn đến thăm dì những khi có thể song chú không dám nói thật lòng mình. Chú đã
cảm nhận được sự ấm áp của dì dành cho chú. Mãi đến gần đây khi mà ranh giới
của sự sống, cái chết đã gần kề, cái nhục dục của con người cũng đi cùng tuổi
tác và thời gian thì chú mới dám thổ lộ lòng mình với dì. Chú bảo nếu thời gian
quay trở lại chú sẽ đến bên dì sớm hơn, sẽ không để dì phải khổ vì tiếng để đời
một thời gian dài như thế vì cả hai đều hiểu, thông cảm hoàn cảnh của nhau và
hướng tới nhau về một tình thương thực sự. Cho dù thời gian còn lại của cuộc
đời không còn nhiều nhưng chú muốn làm cho từng tháng, từng ngày sống bên dì trở nên có ý
nghĩa hơn và chú nâng niu từng phút giây ấy.
Nếu như nói đến chiến tranh là nói đến sự
khốc liệt, sự mất mát trên những đau khổ, những hy sinh thì khi nói đến tình
yêu ta lại nghĩ đến một điều gì đó thật êm dịu, ngọt ngào và hạnh phúc. Những
tưởng chiến tranh và tình yêu phải là những điều trái ngược, không bao giờ song
hành hay tồn tại bên nhau vậy mà trong những hoang tàn, đổ nát và mất mát đó
tình yêu lại xuất hiện như một liều thuốc để làm dịu những cơn đau, hóa giải
những bạo lực hay giảm đi những mất mát mà con người ở cả hai trận tuyến phải
gánh chịu. Chiến tranh chẳng phải là huyền thoại, có thể chỉ là dấu chấm lặng,
nằm lại với thời gian cũng với những vết thương trên người chú hay trong căn
bệnh của dì để nhắc nhở cho thế hệ hậu sinh như mình “Chiến tranh là vậy”…
Cảm ơn cuộc đời đã không để cho dì chịu
thiệt thòi, cảm ơn số phận đã cho dì gặp chú để hai tâm hồn ấy hợp lại và tác
thành một bản tình ca muôn thủa.
Càng
về chiều thời tiết lại càng trở nên khắc nghiệt. Những cơn gió từ phía bãi thổi
đến, phả vào mặt rát bỏng. Bầu trời xanh
thẳm, cao vời vợi song đâu đó xuất hiện những đám mây xám đóng thành từng mảng
bất thường, báo hiệu như sắp có cơn giông. Mong cho cơn giông nhanh chóng qua
đi cũng như bệnh tình của cả chú và dì
mau khỏi.
Mình muốn ở lại bên dì thêm một chút nữa…